Mở rộng ‘thần tốc’ theo cách của Thế Giới Di Động, chuỗi cửa hàng Con Cưng thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, mục tiêu 1.000 shop vào năm 2020
Con Cưng hiện có 313 cửa hàng trên cả nước, trong đó riêng TPHCM có 105 cửa hàng. Năm 2016, doanh thu công ty này đạt 524 tỷ đồng.
Mở 100 cửa hàng trong 9 tháng
Chuỗi cửa hàng Con Cưng được thành lập từ năm 2011 và là công ty tiên phong tại Việt Nam chuyên về ngành hàng dành riêng cho trẻ em. Công ty có các hệ thống chuỗi bán lẻ cho mẹ bầu và em bé như Con Cưng, Toycity, CF (Con Cung Fashion).
Con Cưng hoạt động mạnh tại khu vực phía Nam và theo đuổi chiến lược mở rộng ồ ạt nhằm chiếm lĩnh thị trường, tương tự cách mà nhiều thương hiệu bán lẻ khác đã thực hiện như Thế Giới Di Động, FPT Shop, PNJ…
Cuối năm 2016, Con Cưng mới cán mốc 100 siêu thị trên hơn 30 tỉnh thành cả nước. Nhưng chỉ mất thêm 9 tháng để công ty này có 100 cửa hàng tiếp theo.
Còn tính đến thời điểm hiện tại, chuỗi Con Cưng có 313 cửa hàng, trong đó chỉ riêng TPHCM đã có tới 105 cửa hàng. Các tỉnh thành khác mà Con Cưng hoạt động mạnh gồm Đồng Nai (28 cửa hàng), Bình Dương (21 cửa hàng), Long An, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu (mỗi nơi 10 cửa hàng).
Ngoài ra, chuỗi Toy City có 33 cửa hàng, cũng tập trung chủ yếu tại TPHCM (13 cửa hàng). Tổng cộng, công ty Con Cưng đang có trong tay 346 cửa hàng. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay số cửa hàng cả 2 chuỗi sẽ tăng lên 500, tương đương tốc độ mỗi ngày mở 1 cửa hàng. Đến năm 2020, số cửa hàng Con Cưng & Toy City dự kiến tăng lên 1.000.
Doanh thu hàng trăm tỷ
Ra đời từ năm 2011, nhưng Con Cưng hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần từ tháng 9/2015. Theo báo cáo tài chính của Con Cưng, trong hơn 3 tháng cuối năm 2015, Con Cưng đạt doanh thu khoảng 114 tỷ đồng và lỗ hơn 100 triệu đồng.
Sang năm 2016, doanh thu Con Cưng đạt khoảng 524 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận gộp lên tới gần 30%. Tuy nhiên, do đặc điểm hệ thống nhiều cửa hàng nên chi phí bán hàng và chi phí quản lý của công ty cũng rất lớn khiến Con Cưng chỉ có lãi trước thuế gần 8 tỷ đồng. Con Cưng cho biết, thực tế doanh số năm 2016 tăng trưởng khoảng 100% so với năm 2015.
Ngày 20/6 vừa qua, Con Cưng vừa tăng vốn điều lệ, từ 122 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng.
Nguồn: Báo cáo tài chính Con Cưng
Nghi vấn nguồn gốc xuất xứ sản phẩm
Mới đây, Con Cưng gặp nghi vấn lừa dối khách hàng, khi tem nhãn trên sản phẩm mà công ty này bán ra có dấu hiệu bị cắt và thay thế bằng tem nhãn CF (Con Cung Fashion).
Trong ngày 22/7, Con Cưng đã lên tiếng khẳng định công ty có chứng nhận đảm bảo nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Theo Con Cưng, sau khi nhận được phản ánh của khách hàng, Công ty đã tiến hành kiểm tra và xác nhận lỗi sản phẩm này. Theo quy định của Công ty, để bảo đảm quyền lợi tối đa cho khách hàng, Con Cưng ngay lập tức thu hồi toàn bộ 5.982 sản phẩm của lô hàng đang trưng bày tại cửa hàng. Việc thu hồi này được thực hiện trên toàn bộ hệ thống cửa hàng và từ những khách hàng đã mua, bất kể những sản phẩm đó có gặp lỗi tương tự hay không.
Lãnh đạo Con Cưng cũng ngay lập tức làm việc với nhà sản xuất để xác minh nguyên nhân xảy ra lỗi kỹ thuật. Trên thực tế, lô hàng này được Con Cưng đặt sản xuất dưới thương hiệu CF (Concung Fashion) tại Thái Lan và sau khi kiểm tra theo phản ánh từ khách hàng thì sản phẩm này không đạt yêu cầu để bày bán tại Con Cưng, vì vậy Con Cưng đã tiến hành thu hồi sản phẩm.
Bên cạnh đó, Con Cưng đã rà soát lại toàn bộ quy trình đặt hàng, quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào và nhận thấy lỗi của Con Cưng là đã không kiểm tra hết toàn bộ lô hàng.
Con Cưng cho biết đã nghiêm túc kiểm điểm nội bộ và cam kết sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ để không xảy ra các sai sót tương tự.
Quản lý thị trường phát hiện dấu hiệu bất thường
Cũng trong ngày 22/7, quản lí thị trường TPHCM phối hợp Tổ công tác 334 do ông Trần Hùng làm tổ trưởng tiến hành kiểm tra một số cửa hàng Con Cưng quận 1, quận 3, quận 6 trên địa bàn thành phố để xác minh theo yêu cầu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ công thương và Cục quản lí thị trường.
Ông Trần Hùng, Tổ trưởng tổ công tác 334 cho biết, khi kiểm tra thực tế nhận thấy có một số nghi vấn. Chẳng hạn kiểm tra ngẫu nhiên một bộ quần áo trẻ em thấy chữ Made in Thai Lan trực tiếp in trên quần áo. Bên cạnh đó, còn có một nhãn mác gắn trên móc treo lung lẳng, trên nhãn này có ghi giá, nguồn gốc xuất xứ Thái Lan, mã vạch…Về hình thức thì tuân thủ đúng quy định pháp luật nhưng khi kiểm tra mã vạch có đúng xuất xứ Thái Lan thì không hiện ra.
Tiếp tục kiểm tra sản phẩm kem massage bụng TITIONE được bày bán ở đây, trên nhãn ghi là Sản xuất bởi công ty TNHH Mỹ phẩm TITIONE, số điện thoại 0283 6361358; Fax 02836361359, TSC: 170 tổ 8, ấp Long Hòa, Long Hồ, Vĩnh Long, Việt Nam. Tel: 070 3957172, Fax 070 3957297. Website titione.com, email: mptitione@gmai.com . HSD 3 năm kể từ ngày sản xuất in trên bao bì. Khối lượng tịnh 350g.
Tuy nhiên thực chất trên thân chai mỹ phẩm này lại ghi Sản xuất bởi công ty TNHH G&C, địa chỉ văn phòng 413 đường số 1, phường Bình Trị đông B, Quận Bình Tân…
“Đây là dấu hiệu chúng tôi nghi vấn có gian lận thương mại. Tuy nhiên lực lượng quản lí thị trường sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng khác làm rõ để xử lí theo đúng quy định pháp luật”, ông Hùng nói.
theo Trí Thức Trẻ
Trả lời