Hàng loạt tàu cá nhộn nhịp “tân trang” cho mùa đánh bắt mới
Gần cuối năm Đinh Dậu cũng là thời điểm gần kết thúc một mùa đánh bắt trong năm, hàng loạt tàu cá ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) lại nhộn nhịp “tân trang” chuẩn bị cho mùa vụ đánh bắt mới.
Những ngày giữa tháng 12, chúng tôi về cơ sở sửa chữa tàu cá Ngân Hà (xã Phước Đồng, TP Nha Trang). Đây là một trong những cơ sở sửa chữa, tân trang tàu cá có tiếng nằm gần cảng cá Hòn Rớ – một trong những cảng cá, chợ hải sản sầm uất nhất vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Bãi kéo tàu cá gần như kín chỗ với hàng chục tàu cá vỏ gỗ đang trong quá trình sửa chữa, gia cố vỏ tàu. Theo các ngư dân, sau mỗi mùa đánh bắt trên biển, các tàu cá phải được kéo “lên đà” để vệ sinh vỏ tàu do lâu ngày bị các sinh vật biển ký sinh, có thể ăn mục phần gỗ.
Mỗi năm, các tàu cá được kéo lên bờ nhằm sơn, xảm lại vỏ tàu từ một đến 2 lần. Ngư dân Huỳnh Văn Lộc (xã Phước Đồng, TP Nha Trang), chủ tàu KH 02845-TS cho biết, kể từ tháng 9 đến 11 âm lịch là thời điểm các tàu cá bắt đầu tạm dừng vươn khơi để sửa chữa, tu bổ phương tiện.
Theo đó, tùy theo mức độ hao mòn, hư hỏng tàu cá mà mức chi phí “tân trang” cũng khác nhau. Nếu tàu cá loại nhỏ hoặc trung bình và sửa chữa ít thì mức chi phí dao động 15-20 triệu đồng/lần, còn nếu tàu loại lớn và mức độ sửa chữa, tu bổ nhiều thì dao động 30-40 triệu đồng/lần.
“Tàu tôi hành nghề lưới cản với công suất 295CV. Lần này tàu tôi sơn lại thân tàu, thay ván một số đoạn trên vỏ tàu nên dự kiến hết khoảng 50 triệu đồng”, ngư dân Huỳnh Văn Lộc cho biết.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Bá Tiến, phụ trách hợp tác xã cơ khí tàu thuyền Ngân Hà (TP Nha Trang), cho biết, hiện nay cơ sở đang tiếp nhận khoảng 20 tàu cá lên làm vệ sinh và sửa chữa. Theo đó, mỗi lượt tàu cá được kéo “lên đà”, đơn vị thu mức phí 2-3 triệu đồng/lần.
Sau đó, các chủ tàu cá tự sơn sửa lại tàu của mình hoặc tự thuê thêm thợ từ bên ngoài đến sửa chữa.
Theo ông Phan Bá Tiến, kể từ sau bão số 12 (bão Damrey), cơ sở này cũng tiếp nhận hàng loạt tàu cá bị hư hỏng lên sửa chữa. “Vừa rồi bão số 12, tàu cá bị tai nạn nên người ta lên sửa chữa cũng nhiều, khoảng 20-30 chiếc rồi. Ngoài ra, đây là thời điểm cuối năm nên các tàu cá lên ‘làm nước’ để sang năm mới người ta đi biển”, chủ cơ sở Phan Bá Tiến cho biết.
Ông Võ Khắc Én, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng 20 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu vỏ gỗ. Theo ông Én, hiện nay đa phần những cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu gỗ đều do người dân tự bỏ vốn ra làm và cũng chưa có chính sách thiết thực hỗ trợ cho đối tượng này.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 9.790 phương tiện đánh bắt, với gần 25.000 lao động đi biển.
Hình ảnh hàng loạt tàu cá nhộn nhịp “tân trang” cho mùa đánh bắt mới tại TP Nha Trang (Khánh Hòa):
Tàu cá ở Nha Trang (Khánh Hòa) nhộn nhịp sửa chữa, tân trang cho một mùa đánh bắt mới
Trả lời